Bác Hồ - Nhà giáo - Nhà báo - Nhà văn - Nhà thơ

Bác Hồ là hiện thân trí tuệ khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại. Là lãnh tụ tối cao sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồ sộ và phong phú. Là nhà văn hóa kiệt xuất trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ từng dạy học, viết báo, viết văn, làm thơ.
Từ thuở thiếu thời, nhà giáo Nguyễn Tất Thành (tên lúc trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) từng dạy học tại Dục Thanh Học hiệu - ngôi trường do các sĩ phu yêu nước ở Phan Thiết (Bình Thuận) sáng lập năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh” do Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ. Đây là ngôi trường mà học sinh ăn học không phải trả tiền, thầy giáo chỉ nhận trợ cấp mà không hưởng lương.
Đặc biệt coi trọng vai trò của giáo dục, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9/1945, Bác Hồ đã phát động chống giặc dốt đồng thời với chống giặc đói và chống giặc ngoại xâm.
Bác dạy “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Trong thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ kỳ vọng: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các cháu”.
Nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tham gia sáng lập tờ Le Paria (Người cùng khổ) ở Pháp và sáng lập, tổ chức tờ báo Thanh niên ra số đầu tiên ngày 21/6/1925 - đặt nền móng vững chắc cho nền báo chí cách mạng suốt 9 thập kỷ qua.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh

 Bác Hồ đã viết trên 1.500 bài báo bằng nhiều ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga…) với đủ các thể loại từ chính luận đến những bài ca cổ động, tranh cổ động quần chúng… trên nhiều tờ báo trong và ngoài nước với trên 100 bút danh khác nhau.
Nhà văn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã viết Bản án chế độ thực dân Pháp, vở kịch Con rồng tre, nhiều truyện ngắn, bút ký… Và đặc biệt, Bác Hồ để lại 4 áng “thiên cổ hùng văn” thời đại Hồ Chí Minh (Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước, Di chúc).
Nhà thơ Hồ Chí Minh để lại cho hậu thế tập thơ Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) bằng chữ Hán, đã được dịch ra 10 thứ tiếng và rất nhiều bài thơ đặc sắc, đặc biệt là các bài thơ xuân in đậm trong lòng dân. Đón giao thừa nghe thơ Bác là một nét đẹp văn hóa truyền thống của một giai đoạn lịch sử.
Là nhà giáo - nhà báo - nhà văn - nhà thơ, sự nghiệp văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết tinh truyền thống văn hóa nhiều thiên niên kỷ của dân tộc Việt Nam, tạo nên một giá trị văn hóa mới của thời đại như nhà thơ Xô Viết Osip Mandelstam đã tiên đoán rất tài tình từ năm 1923 rằng: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”.
Còn Nghị quyết 24C/18.65 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta ngày càng thấy Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa kiệt xuất, không chỉ kết tinh những thành tựu của quá khứ, không chỉ thể hiện đỉnh cao của trí tuệ và tâm hồn thời đại mà còn báo hiệu qua chính bản thân mình những phẩm chất tiêu biểu cho nền văn hóa ngày mai…”.
Phan Thanh
Lễ Quốc tang Chủ tịch HCM - Youtube
Giải Đáp Thắc Mắc

0 nhận xét